Nợ xấu có mua xe ô tô trả góp được không?
Tâm lý chung của những người dính nợ xấu là không thể có chuyện ngân hàng cho mình vay tiếp. Vậy, nợ xấu có mua xe ô tô trả góp được không? Hãy để HeyOto trả lời cho bạn câu hỏi này.

Thế nào là nợ xấu?
Theo định nghĩa chuyên ngành của ngân hàng, nợ xấu chính là những khoản vay nợ mà người vay không thể thay toán đúng hạn và được xếp vào các nhóm 3 (nhóm dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (khả năng mất vốn cao). Hiểu một cách đơn giản hơn, khi người vay không thể trả các khoản nợ (cả gốc và lãi) đã quá hạn thanh toán trên 90 ngày sẽ bị liệt vào danh sách khách hàng nợ xấu. Ngoài ra, các ngân hàng cũng căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để sắp xếp các khoản vay vào nhóm thích hợp.
Cần lưu ý, tất cả các khoản nợ xấu của một cá nhân đều được lưu lại. Tức là, cho dù hiện tại đã thanh toán các khoản nợ xấu ở quá khứ thì các ngân hàng vẫn biết được bạn đã từng nợ và không trả đúng hẹn. Dĩ nhiên, một khi đã nằm trong nhóm nợ xấu thì việc vay tiền từ các tổ chức tín dụng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Các nhóm nợ xấu thường gặp
Theo Khoản 5, Điều 2, Văn bản hợp nhất 15/VBHN-NHNN, nợ xấu là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Tuy nhiên, để người người đọc có cái nhìn tổng quát nhất, chúng tôi sẽ giới thiệu cả nhóm 1 và 2. Cụ thể, Khoản 1, Điều 8 của văn bản trên chỉ rõ:
- Nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn): Gồm nợ trong hạn, nợ có khả năng thu hồi gốc và lãi đúng hẹn; nợ không quá hạn 10 ngày.
- Nhóm 2 (nợ cần chú ý): Gồm nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.
- Nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn): Gồm nợ quá hạn từ 91 đến 180 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày; nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ;nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai.
- Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ): Gồm nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn dưới 30 ngày.
- Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): Gồm nợ quá hạn trên 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn trên 90 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn trên 30 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.
Làm sao để biết mình dính nợ xấu?

Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng mình không vay nợ thì làm sao phát sinh nợ xấu được. Tuy nhiên, trong bối cảnh thông tin cá nhân bị lộ công khai, tràn lan như hiện nay thì không gì là không thể. Các đối tượng có thể lợi dụng thông tin của bạn để tiến hành giao dịch tại một tổ chức nào đó. Thực tế cho thấy thì có không ít người đã rơi vào hoàn cảnh này dù chưa từng vay tiền hay mua trả góp.
Như vậy, làm sao để biết mình có dính nợ xấu hay không? Mọi người có thể chủ động kiểm tra bằng hai cách vô cùng đơn giản và nhanh chóng sau đây:
Cách thứ nhất, tra cứu miễn phí trên website của CIC (Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia) tại https://cic.org.vn. Đầu tiên, bạn cần cung cấp các thông tin gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, CMND/CCCD… để đăng ký tài khoản. Tiếp theo, CIC sẽ yêu cầu bạn gửi ảnh chân dùng cùng với hai mặt CMND/CCCD để đảm bảo tra cứu đúng người.
CIC sẽ kiểm tra thông tin, xác thực tính chính xác và kích hoạt nếu các thông tin bạn cung cấp là hợp pháp. Cuối cùng, bạn có thể dùng tài khoản đã đăng ký trước đó để đăng nhập, chọn phần khai thác báo cáo để kiểm tra điểm tín dụng, mức độ rủi ro và có đang nợ xấu hay không.
Cách thứ hai, kiểm tra thông qua tổ chức tài chính, ngân hàng. Trường hợp này, nhân viên tại đây sẽ yêu cầu bạn cần cung cấp CMND/CCCD. Thông thường, bạn sẽ mất một khoản phí nhỏ nếu chỉ thực hiện kiểm tra. Còn nếu bạn thực hiện vay vốn thì bên cho vay sẽ chủ động kiểm tra thông tin và báo kết quả. Nếu không thành công, tức là bạn đang nợ xấu; ngược lại, bạn đang ở nhóm an toàn.
Nợ xấu có mua xe ô tô trả góp được không?

Về cơ bản, các nhóm nợ xấu số 3, 4, 5 sẽ không được ngân hàng hay các tổ chức tài chính cho vay trước khi trả hết dư nợ cũ. Trường hợp khách hàng có nợ xấu đã thanh toán đủ cũng phải chờ từ 3 – 5 năm cho lần duyệt vay kế tiếp. Điều này có nghĩa là những người này sẽ không đủ điều kiện vay mua xe ô tô trả góp.
Nhưng để tạo điều kiện cho người vay, ngoài nhìn vào nhóm nợ xấu, các ngân hàng sẽ xem xét và đánh giá nhiều khía cạnh khác như: Nguyên nhân phát sinh nợ xấu (khách quan hay chủ quan)? Lịch sử trả nợ trước đó có ổn định không? Có tài sản đảm bảo hay không? Tình hình tài chính hiện tại?… Đôi khi nó còn phụ thuộc chiến lược và quy định theo từng thời kỳ của đơn vị cho vay.
Có nên mua xe ô tô trả góp khi đang thuộc nhóm nợ xấu?
Thực chất, những người đang nợ xấu thì không nên mua trả góp bất kỳ hàng hóa gì, kể cả ô tô. Thay vào đó, hãy cố gắng trả hết nợ cũ rồi hẵng cân nhắc đến việc mua hàng trả góp. Tuy nhiên, nếu vẫn muốn hay bắt buộc phải mua thì chúng tôi có một vài lời khuyên hữu ích cho các bạn.
Thứ nhất, hãy nộp hồ sơ tại tổ chức tài chính có hỗ trợ trả góp đối với các đối tượng nợ xấu để nâng tỉ lệ thành công. Thứ hai, số tiền vay trả góp mỗi tháng không nên quá lớn (vượt quá một nửa thu nhập). Thứ ba, có thể lấy chính chiếc ô tô bạn mua để làm tài sản thế chấp. Khi thanh toán đủ gốc lẫn lãi, ngân hàng sẽ trả lại giấy tờ cho bạn.
Chọn ngân hàng nào để mua xe trả góp khi dính nợ xấu?
Hiện nay, có nhiều ngân hàng cũng như các công ty tài chính hỗ trợ mua ô tô trả góp như PVcomBank VIB, VPBank, TPBank… Vậy nên bạn có rất nhiều sự lựa chọn, nếu không được duyệt ở nơi này sẽ vẫn còn những nơi khác.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank): Lấy khách hàng làm trọng tâm và nỗ lực tăng hiệu quả làm việc, đây là ngân hàng có dịch vụ tốt tại Việt Nam. Rất nhiều khách hàng đang ở nhóm nợ 3, 4 vẫn được ngân hàng xét duyệt hồ sơ cho vay
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank): Là một trong số ít các ngân hàng có khả năng xử lý linh hoạt nhiều nhóm nợ khác nhau. Không ít trường hợp khách ở nhóm 4, khó chứng minh thu nhập nhưng vẫn được hỗ trợ.