Tiếp bước vào cuộc đua năng lượng xanh, Audi đã cho ra mắt dòng sedan 5 chỗ Audi e-tron. Với thiết kế độc đáo, ấn tượng cùng hiệu suất hoạt động mạnh mẽ, dòng xe thuần điện này sẽ là đối trọng trực tiếp của Taycan và i4, hứa hẹn sẽ hâm nóng lại phân khúc xe điện tại Việt Nam.
Nội dung bài viết
- 1 Giá xe Audi e-tron
- 2 Những điểm đáng chú ý trên Audi e-tron
- 3 Ngoại thất là một bản phối hoàn hảo giữa R8 và Taycan
- 4 Nội thất góc cạnh và nam tính
- 5 Tiện nghi đẳng cấp
- 6 Khả năng vận hành mạnh mẽ như siêu xe
- 7 An toàn tiêu chuẩn châu Âu
- 8 Thông số kỹ thuật xe Audi e-tron
- 9 Vậy có nên mua Audi e-tron hay không?
Giá xe Audi e-tron
Những điểm đáng chú ý trên Audi e-tron
- Ngoại thất bắt mắt, được thiết kế theo các chuẩn mực xe thể thao
- Động cơ hai cầu mạnh mẽ với chế độ Boost
- Bán kính hoạt động vượt trội
- Âm thanh giả lập trong khoang lái rất phấn khích
- Nội thất hầm hố, góc cạnh với những chi tiết carbon
- Hệ thống sạc nhanh ấn tượng
Ngoại thất là một bản phối hoàn hảo giữa R8 và Taycan
Do có cùng công ty mẹ là Volkswagen nên Audi e-tron chia sẻ hệ khung gầm J1 với Taycan. Tuy nhiên các fan của dòng R8 chắc chắn sẽ rất ấn tượng với e-tron vì tổng quan xe đang tái hiện lại chính xác những cảm xúc trên mẫu xe huyền thoại R8.
Ngoài vẻ đẹp uốn lượn, gợi cảm của một chiếc Coupe, Audi e-tron mang lại một sự phóng khoáng của một mẫu xe thể thao. Hãng vẫn giữ nguyên cái hồn của một mẫu xe hiệu năng cao và gửi gắm vào trong từng đường nét của e-tron. Trên hết, do thuộc phân khúc xe hạng sang nên e-tron rất được ưu ái về chất lượng màu sơn. Xe luôn được khoác trên mình những nước sơn rất bóng bẩy, thời thượng và nịnh mắt.
Phần đầu xe gồm nhiều chi tiết lạ mắt. Nếu như các đối thủ thuần điện khác, phần cản sẽ được làm tối giản nhất có thể thì Audi e-tron lại bố trí một loạt các chi tiết mang tính khí động học để tạo thành điểm nhấn.
Quan sát kỹ hơn, lưới tản nhiệt của e-tron được cách điệu lại từ họa tiết lưới mắt cáo. Phần “lưới” đã được dập các hiệu ứng 3D chìm nổi, mang lại sự tương phản rõ rệt về hiệu ứng quang học và cảm giác gồ ghề lạ tay khi vuốt ngang qua phần lưới này.
Dọc 2 bên đầu xe là các hốc hút khí tự nhiên được ốp bằng vật liệu carbon để tăng phần mạnh mẽ.
Được ví như “đôi mắt thần”, phần đèn xe của Audi e-tron là một trong những biểu tượng nhận diện thương hiệu. Đèn có cấu tạo khá dị, gồm 3 phần riêng biệt, đặc biệt nhất là 2 thanh LED hình chữ “X” ở trung tâm cụm đèn với viền xanh – một đặc trưng của công nghệ đèn laser.
Mỗi khi tắt/mở máy hoặc thậm chí là bật xi-nhan, Audi luôn có cách tạo dấu ấn riêng khi các cụm đèn LED ở đèn trước và sau đều “nhảy nhót” và trình diễn một show về hiệu ứng ánh sáng độc đáo chỉ có trên các dòng xe của Audi.
Trải nghiệm thực tế sau vô lăng cho thấy, luồng sáng từ các bóng LED của e-tron tỏa đều, dịu mắt và gần như bao quát toàn bộ góc mắt của tài xế, có độ phủ tốt để giúp hạn chế góc chết tầm nhìn. Dù với tầm chiếu xa hơn 600 m nhưng đèn cũng có thể tùy biến góc chiếu để tránh chói mắt xe phía trước.
Nắp capo khá phẳng phiu, tạo cảm giác vô tận và mở rộng thêm về phía 2 bên thân xe, giúp tăng độ hầm hố.
Sau khi đã loại bỏ được khối động cơ đặt trước thì Audi đã tối ưu hóa không gian bên dưới nắp capo bằng một hộc chứa đồ phụ. Tuy dung tích không nhiều, chỉ khoảng 80 lít nhưng cũng đã bổ trợ được phần nào cho cốp sau.
Thân xe tạo cảm giác khá giống với Taycan – to, dài và phẳng, không có quá nhiều điểm nhấn khác màu. Phần cửa sổ xe sẽ được trang bị hệ thống kính không viền để tăng độ thanh thoát.
Tuy nhiên việc này cũng ảnh hưởng đến thói quen đóng cửa của người dùng. Nếu ai đã quen tay đóng cửa bằng phần viền kính thì khi dùng Audi e-tron sẽ rất vất vả để giữ cho phần kính này không bị bẩn do bám vân tay.
Về dàn “chân” của Audi e-tron, ngoài thiết kế mâm xe với nhiều đường cắt xẻ táo bạo thì e-tron còn được trang bị bộ lốp sau rất to với thông số lên đến 285/R21 (bản GT RS). Kích thước này cũng phần nào chứng minh được sự “hổ báo” của động cơ khi động cơ càng mạnh, lốp phải càng to để tăng độ bám đường và độ ổn định khi di chuyển ở dải tốc độ cao.
Hướng mắt ra phần đuôi xe, Audi e-tron được trang bị dãy đèn LED tràn viền với chuỗi hiệu ứng ánh sáng hình mũi tên được đồng bộ với đèn trước. Khi di chuyển ban đêm, rất khó để có thể nhầm lẫn e-tron với bất cứ mẫu xe nào khác khi nhìn từ đằng sau xe.
Một chi tiết khá thú vị là cánh lướt gió của e-tron là dạng tự động. Khi di chuyển thực tế, góc xoay của cánh lướt và độ cao khi nâng/hạ sẽ được thay đổi linh hoạt tùy vào vận tốc tại thời điểm đó. Chi tiết này sẽ rất ấn tượng với người đi đường với những thao tác cơ khí mượt mà để thay đổi trạng thái cánh lướt. Tuy nhiên với điều kiện giao thông Việt Nam, thật khó để e-tron phô diễn hết khả năng tối ưu khí động học ở vận tốc cao.
Nóc xe kín được thay thế bằng cửa sổ trời toàn cảnh với chức năng cách âm, cách nhiệt và chống chói. Dù không gian bên trong hơi hạn chế nhưng chính phần cửa sổ trời này đã tạo cảm giác thoáng đãng, không bí bách cho hành khách trong xe.
Nội thất góc cạnh và nam tính
Song song với phần ngoại thất thể thao, không gian bên trong xe cũng được giữ nguyên tinh thần ấy bằng rất nhiều những vật liệu carbon và những đường cắt xẻ táo bạo. Nhìn chung, khác với nội thất unisex của Taycan, Audi e-tron thực sự là một cỗ máy được tạo nên cho các cánh đàn ông với các chi tiết thô cứng, góc cạnh trong khoang lái.
Phần taplo được chia thành rất nhiều các tầng, lớp khác nhau và là một sự phối hợp hoàn hảo của da thuộc, carbon và các màn hình điện tử. Xe rất hạn chế các phần viền bo tròn trên taplo mà chỉ tập trung khai thác các góc cạnh hình học.
Cảm giác được sờ tận tay các phần gờ carbon sẽ rất kích thích với những fan đam mê tốc độ. Trên hết, để tránh gây mất tập trung, các chi tiết trên taplo được đi màu ton-sur-ton theo tông đen và xám. Duy chỉ có hàng chữ “e-tron” phát sáng trên xe như một điểm nhấn để tái khẳng định giá trị của dòng xe này.
Vô lăng trên Audi e-tron là dạng vô lăng thể thao 3 chấu, với đáy của đường D-cut là logo GT được dập chìm. Do được bọc da đục lỗ nên khi thao tác đánh lái, tài xế sẽ không có cảm giác bị trượt tay hay phải ghì quá nhiều để cầm nắm khi lái xe.
Bệ điều khiển trung tâm được ốp một bề mặt gương, với các nút bấm chức năng dạng vật lý. Cách làm này sẽ hạn chế được khá nhiều vân tay bám trên nội thất khi thao tác với nút, tiết kiệm được kha khá thời gian và công sức vệ sinh của chủ xe.
Một chi tiết thú vị là cần số, thay vì được làm theo dạng “cần” truyền thống thì nay đã thay bằng dạng nút bấm phẳng. Các nút bấm trên e-tron đều có độ phản hồi nhạy, hành trình nút êm ái và âm thanh “lịch kịch” khi nhấn cũng rất sướng tai – minh chứng cho chất lượng chuẩn Đức.
Ghế ngồi trên Audi e-tron cũng là một chi tiết tôn lên sự đẳng cấp. Vì mang concept thể thao nên chắc chắn bạn sẽ không tìm được cảm giác quá êm ái, thay vào đó là sự vững chãi đến từ form ghế công thái học. Tài xế cũng sẽ dễ dàng tìm được một vị trí thoải mái do kích thước lòng ghế vừa phải và phù hợp với tầm vóc của người Việt Nam.
Chất liệu chính để bọc ghế chính là là da Nappa – một trong những chất da hàng đầu thế giới. Họa tiết hình tổ ong trên ghế trông rất giống với Urus cho một độ ma sát nhất định khi ngồi, tránh tình trạng bị trượt khỏi ghế khi thắng gấp hoặc vào cua. Sờ vào bề mặt ghế, phần da bọc cho một cảm giác mát lạnh, mịn màng xứng tầm với đẳng cấp.
Hàng ghế sau được thiết kế cho ba người ngồi, nhưng thực tế chỉ ngồi thoải mái được hai người lớn. Phần ghế giữa, một phần do vướng bệ tỳ tay, còn lại do vướng bục chắn bộ truyền động dưới sàn nên tư thế ngồi lại không thoải mái lắm. Trần xe vừa đủ cho người dưới 1m8, không có quá nhiều diện tích để xoay trở vì xe được “vuốt phẳng” về phần đuôi theo phong cách Coupe.
Tiện nghi đẳng cấp
Audi e-tron dù là một phiên bản thuần điện cao cấp của hãng nhưng xe lại thiên về độ vâm, sự thể thao và mạnh mẽ hơn là việc “điện hóa” nội thất với hàng loạt màn hình và đèn LED – điều mà Mercedes và BMW lại rất thích làm với xe điện của mình.
Dẫu vậy, hệ thống tiện nghi nghe – nhìn của xe vẫn hoàn toàn xứng đáng với chi phí sở hữu. Xe được trang bị 2 màn hình kỹ thuật số rất sắc nét và sống động. Đặc biệt phần màn hình giải trí trung tâm được đặt chìm vào taplo và hơi chếch về góc nhìn tài xế, giúp tối ưu hóa được việc quan sát các thông tin và điều khiển các tính năng vận hành của xe.
Màn hình kỹ thuật số giải trí có kích thước 12.3 inch, với hệ điều hành rất dễ sử dụng và giao diện thân thiện với người dùng. Khi thao tác trên màn hình, xe còn phát ra âm thanh “lách cách” mô phỏng lại âm thanh của nút vật lý – một chi tiết khá thú vị và mang cho người dùng cảm giác cảm ứng tốt hơn.
Audi e-tron đã kết hợp với Bang & Olufsen – một thương hiệu chuyên về âm thanh từ Đan Mạch, để cho ra đời hệ thống loa vòm 360 độ trên xe. Chất âm mượt, nịnh tai, chi tiết các dải âm tầng khác nhau.
Dù bạn là fan của các dòng nhạc pop hay bạn muốn thư giãn với những bản jazz thật du dương thì e-tron vẫn có thể cân được tất. Thêm nữa là xe không có quá nhiều âm thanh động cơ vang vọng vào cabin nên việc tận hưởng được 100% chất âm từ loa có lẽ là một đặc quyền chỉ có ở xe điện.
Khả năng vận hành mạnh mẽ như siêu xe
Nếu như các antifan của dòng xe điện luôn đề cao động cơ xăng vì sức mạnh, tốc độ và sự bền bỉ thì có lẽ Audi e-tron sẽ dễ dàng làm thay đổi quan điểm của họ.
Xe được trang bị hai mô tơ điện ở cả hai cầu. Năng lượng được truyền từ một viên pin Lithium-ion có dung lượng 93 kW ở gầm xe và toàn bộ hệ thống truyền động được điều khiển một cách chặt chẽ bởi hệ dẫn động quattro huyền thoại của Audi.
Nếu xét về góc độ bền bỉ, chỉ với một lần sạc, Audi e-tron đã có thể di chuyển hơn 400 km (19.6 KWh/100km) mà không phải lo ngại về nhiên liệu. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng với cấu hình động cơ mạnh mẽ, việc nhấn ga và tận hưởng cảm giác dính ghế lại quan trọng hơn cả việc xe di chuyển có quá xa hay không.
Với phiên bản GT, xe đã đạt công suất cực đại hơn 500 mã lực. Phiên bản GT RS với chế độ Boost còn cung cấp cho bạn hơn 620 mã lực – một con số tiệm cận siêu xe hiệu năng cao. Audi e-tron dễ dàng bức tốc lên 100km/h từ trạng thái đứng yên mà chỉ mất loanh quanh 3 giây.
Do cấu tạo đặc biệt của hệ thống phanh, quá trình phanh sẽ được tận dụng để sản sinh năng lượng điện, nhờ đó tăng thêm bán kính hoạt động cho xe. Nhưng điều này cũng vô tình làm cảm giác phanh có phần bị trễ. Khi rà nhẹ chân thắng, xe gần như không cảm giác được độ ghì từ má phanh. Chỉ khi đạp thắng sâu thì phanh vật lý mới được kích hoạt để giảm tốc độ.
An toàn tiêu chuẩn châu Âu
Các tiêu chí về an toàn luôn được hãng ưu tiên hàng đầu trong quá trình vận hành xe. Audi e-tron được trang bị các gói an toàn tiêu chuẩn, đạt chất lượng nghiêm ngặt của châu Âu, có thể kể đến như:
- Camera lùi
- Camera 360 độ
- Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc
- Hệ thống kiểm soát hành trình Cruise Control
- Hệ thống hỗ trợ chuyển làn
- Hệ thống ABS
- Hệ thống phân bố lực phanh điện tử
- Hệ thống chống trượt điện tử
- Hệ thống kiểm soát độ bám đường
- 6 túi khí
Thông số kỹ thuật xe Audi e-tron
Thông số kỹ thuật | Audi e-tron GT | Audi e-tron GT RS |
Kích thước (D x R x C) | 4,989 x 1,964 x 1,413 mm | 4,989 x 1,964 x 1,413 mm |
Chiều dài cơ sở | 2,900 mm | 2,900 mm |
Số chỗ ngồi | 5 | 5 |
Bán kính hoạt động | 452 – 488 km | 433 – 472 km |
Dung lượng pin | 93 kW | 93 kW |
Công suất cực đại | 476 mã lực | 598 mã lực |
Mô-men xoắn cực đại | 630 Nm | 830 Nm |
Tăng tốc 0-100km/h | 4.1 giây | 3.3 giây |
Vận tốc tối đa | 245 km/h | 250 km/h |
Vậy có nên mua Audi e-tron hay không?
Là một mẫu sedan thuần điện thiên về tính thể thao, Audi e-tron rất xứng đáng với chi phí sở hữu. Xe được thiết kế và tình chỉnh hiệu suất cho những người chịu chi để trải nghiệm được cảm giác cầm lái một mẫu xe tốc độ. Xe không phù hợp để đi off-road hoặc để chở những gia định đông thành viên.